Địa chỉ: 224 GIA PHÚ, PHƯỜNG 1, QUẬN 6 & 84A-86 VÀNH ĐAI TRONG, BÌNH TRỊ ĐÔNG B, QUẬN BÌNH TÂN, TP.HCM Hotline: 0903170779
FANPAGEfacebookyoutube.com
Giáo dục mầm non bàn về bữa ăn bán trú và công tác phối hợp

Ngày 30/10, Bộ GDĐT khai mạc Hội thảo Nâng cao chất lượng bữa ăn bán trú và công tác phối hợp giữa gia đình, nhà trường, cộng đồng trong nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em mầm non. Đây được xem là hai vấn đề đặc biệt quan trọng của giáo dục mầm non (GDMN).

Tham dự Hội thảo có đại diện Sở GDĐT, phòng GDĐT và cán bộ quản lý các cơ sở GDMN của các tỉnh/thành phố đại diện cho các vùng miền trên cả nước,...

Chuyển biến tích cực

Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, Thứ trưởng Bộ GDĐT Ngô Thị Minh nhấn mạnh tầm quan trọng của GDMN trong việc đặt nền móng cho sự phát triển toàn diện của trẻ em Việt Nam.

Thời gian qua, nhiều chủ trương, chính sách, của nhà nước ra đời đã làm thay đổi diện mạo GDMN, gia tăng về quy mô mạng lưới trường lớp mầm non, tỷ lệ trẻ đến trường, chuyển biến tích cực trong chất lượng công tác chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ và công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và cộng đồng.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh phát biểu tại Hội thảo

“Nếu không có sự phối hợp gia đình, cộng đồng thì các cơ sở giáo dục mầm non sẽ không hoàn thành được mục tiêu giáo dục đã đề ra”, Thứ trưởng khẳng định.

Với đặc thù riêng, chế độ dinh dưỡng của trẻ được quy định cụ thể trong Chương trình GDMN, công tác nuôi dưỡng trẻ em đã được các cấp quản lý và phụ huynh đặc biệt quan tâm. Hệ thống văn bản chỉ đạo về nội dung này xuyên suốt từ Trung ương tới địa phương và được triển khai thực hiện nghiêm túc tại các cơ sở GDMN.

Chính sách hỗ trợ ăn trưa cho trẻ mẫu giáo ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo quy định của Chính phủ, đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng GDMN.

Các cơ sở GDMN thực hiện tốt việc tổ chức bữa ăn cho trẻ tại trường đảm bảo đủ dinh dưỡng theo nhu cầu khuyến nghị, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Công tác kiểm tra, giám sát chất lượng bữa ăn được liên ngành thực hiện thường xuyên và huy động sự tham gia của phụ huynh.

Đặc biệt, nhiều đơn vị đã tích cực đổi mới hình thức tổ chức bữa ăn, tận dụng diện tích đất của nhà trường xây dựng mô hình vườn rau sạch, huy động phụ huynh tăng gia sản xuất thực phẩm cung ứng cho nhà trường để bảo đảm chất lượng thực phẩm.

Đối với những địa phương còn khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất, chưa có bếp ăn, ngành Giáo dục chỉ đạo các cơ sở GDMN huy động kinh phí từ nguồn xã hội hóa để xây mới, cải tạo bếp ăn, tổ chức cho trẻ ăn bán trú tại trường với nhiều hình thức linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Các hình thức tổ chức bán trú linh hoạt đã góp phần quan trọng trong việc tăng tỷ lệ trẻ được ăn bán trú hằng năm, duy trì tỷ lệ chuyên cần, trẻ được học 2 buổi/ngày và góp phần giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng.

Thứ trưởng chia sẻ, Bộ GDĐT không chỉ quan tâm chỉ đạo công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và cộng đồng trong chăm sóc, giáo dục trẻ tại cơ sở GDMN nhằm tạo sức mạnh tổng thể, mà còn tổ chức các lớp tập huấn, xây dựng tài liệu… để nâng cao năng lực cho đội ngũ trong công tác truyền thông, huy động các nguồn lực, đảm bảo sự phát triển về số lượng và chất lượng cơ sở GDMN.

Bên cạnh những kết quả đạt được, các công tác này vẫn còn tồn tại, hạn chế ở một số địa phương về tỷ lệ trẻ mẫu giáo được ăn bán trú; điều kiện cơ sở vật chất phục vụ công tác tổ chức bán trú; năng lực chuyên môn, nghiệp vụ về công tác nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em mầm non;…

Ở một số cơ sở giáo dục mầm non, hình thức tổ chức công tác tuyên truyền phụ huynh về kiến thức chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ chưa đa dạng. Việc thực hiện công tác xã hội hóa giáo dục tại một số trường mầm non ngoài công lập còn hạn chế, chưa chủ động phối hợp với chính quyền và các đoàn thể địa phương trong các hoạt động của đơn vị.

Linh hoạt trong sáng kiến hoạt động

Thực hiện đề nghị của Thứ trưởng Ngô Thị Minh, tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã tập trung thảo luận các biện pháp, mô hình, sáng kiến nay, khắc phục được những khó khăn, bất cập.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Tham luận tại Hội thảo, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non Trần Thế Sơn, đại diện Sở GDĐT Nghệ An cho biết, xác định nuôi dưỡng trẻ là nhiệm vụ hàng đầu nên Sở đã đưa ra chuyên đề nâng cao chất lượng bữa ăn trong trường mầm non để chỉ đạo xuyên suốt trong từng năm học, qua đây, nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và ý thức trách nhiệm toàn xã hội.

Triển khai hàng loạt giải pháp tổng thể, trong đó chú trọng chế độ chính sách cho người nấu ăn phục vụ trẻ bán trú, Nghệ An đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đến nay, 90% cơ sở có bếp ăn đảm bảo yêu cầu; 70% cơ sở GDMN có nhà bếp đảm bảo diện tích, đồ dùng trang thiết bị hiện đại. 100% trường mầm non hợp đồng người nấu ăn có chứng chỉ, đồng thời, được Sở GDĐT và về Sở Y tế phối hợp tập huấn về dinh dưỡng và an toàn vệ sinh thực phẩm thường niên.

Năm học 2018-2019, Sở đã tham mưu cho HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về định mức hỗ trợ kinh phí để thuê khoán người nấu ăn phục vụ bán trú tại các trường mầm non công lập thuộc xã khó khăn trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó, tỷ lệ suy dinh dưỡng được cải thiện rõ rệt. Năm học 2019-2020, tỷ lệ trẻ thể nhẹ cân, thể thấp còi ở độ tuổi nhà trẻ và mẫu giáo dao động từ 2,4% đến 4,94%, giảm từ 3,6% đến 5,43% so với năm học 2011-2012.

“Bữa ăn bán trú tiềm ẩn nhiều nguy cơ nên đặc biệt cần chú ý quản lý sát sao. Đến nay, Nghệ An chưa có một cơ sở GDMN nào xảy ra hiện tượng ngộ độc thực phẩm”, ông Sơn nhấn mạnh.

Đại diện Sở GDĐT Nghệ An cũng lưu ý, bớt xén khẩu phần bữa ăn của trẻ là hành động vô đạo đức, nhưng đâu đó vẫn có thể xảy ra nên Sở luôn chú trọng tăng giám sát, tăng minh bạch. Các cơ sở GDMN đều có hội phụ huynh giám sát công tác bán trú hàng tuần. 100% cơ sở GDMN sử dụng phần mềm xây dựng thực đơn.

Chia sẻ về công tác phối hợp với gia đình, cộng đồng trong chăm sóc, giáo dục trẻ, Sở GDĐT TP HCM cho biết, cha mẹ trẻ cùng nhà trường xây dựng nội dung, cùng tổ chức và tham gia các hoạt động với trẻ như trò chơi vận động; đóng vai làm thầy cô giáo mầm non, cùng giáo viên tổ chức các hoạt động dạy học, vui chơi cho trẻ; các hoạt động lễ hội mầm non; các hoạt động tiếp cận và làm quen với các thiết bị công nghệ số; các hoạt động chế biến, đổi mới bữa ăn, tổ chức bữa ăn gia đình tạo trường,…

Trong công tác này, Sở GDĐT Điện Biên đã tích cực chỉ đạo, khuyến khích các cơ sở GDMN xây dựng các video "Hướng dẫn cha, mẹ trẻ em và cộng đồng chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non khi ở nhà", thành lập tổ thẩm định các video trước khi chuyển tới phụ huynh của trẻ em và cộng đồng thông qua mạng xã hội.

Nhiều cơ sở GDMN trên địa bàn tỉnh đã mở rộng phong trào và được cha, mẹ trẻ em ủng hộ, tích cực tham gia tự làm các đồ dùng dạy học, đồ chơi cho trẻ thông qua hình thức "Hội thi cha, mẹ tự làm đồ dùng, đồ chơi cho trẻ".

Tại Hội thảo, các đại biểu bày tỏ mong muốn được chia sẻ, tham khảo, học tập nhiều mô hình tốt. Đồng thời, nhận thức sự cần thiết của việc tăng cường các hoạt động truyền thông với cộng đồng về tầm quan trọng của các công tác trên.

Trung tâm Truyền thông Giáo dục

Tin liên quan

Giáo dục mầm non bàn về bữa ăn bán trú và công tác phối hợp

Zalo
Hotline tư vấn miễn phí: 0903170779